LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: CHI TIẾT NHỮNG TÀI SẢN PHẢI XỬ LÝ BẰNG HÌNH THỨC ĐẤU GIÁ
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (vào tháng 10-2023).
Việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Dự thảo luật giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.
Trong đó, quy định rõ người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản trong giờ hành chính, kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày làm việc.
Trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 53 Luật này thì người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản trong thời hạn từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc.
Trường hợp đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức đấu giá tài sản quy định tại khoản 2a Điều 38 Luật này nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc.
Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm trả lại cho người tham gia đấu giá khoản tiền mà người tham gia đấu giá đã nộp nhưng không đủ điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức đấu giá tài sản trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc thời hạn khác do các bên thỏa thuận.
Một buổi đấu giá đất trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.
Tổ chức đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác.
Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định rõ những tài sản mà pháp luật quy định phải xử lý bằng hình thức đấu giá.
Các tài sản được quy định bao gồm: Tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Tiếp đó còn có tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Quyền sử dụng kho số viễn thông, quyền sử dụng tên miền Internet theo quy định của pháp luật về viễn thông; tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
Ngoài ra, các tài sản phải đấu giá còn có: Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Lao Động